Làng ven sông
Sáng sớm ở đây khá nhộn nhịp. Dưới gốc cổ thụ, các chị, các mẹ đã bày bán những mớ rau mướt xanh mơn mởn. Bí đỏ, bí xanh quả nào quả nấy láng coong. Những quả bắp hạt đều tăm tắp, trắng sữa nhìn rất bắt mắt.
Sáng sớm, bên dòng Đăk Bla hiền hòa, khung cảnh yên bình đến lạ. Bình minh lên, từng ánh nắng ấm áp chiếu rọi làm dòng nước long lanh như được dát vàng. Hai bên bờ sông xanh ngắt một màu. Gió thoang thoảng thổi khẽ làm đong đưa từng ngọn cây, ngọn cỏ tạo nên một cảm giác thoải mái.
Mải say trong khung cảnh thiên nhiên, chẳng biết tự bao giờ chúng tôi đã men đến ngôi làng Kon Rờ Bàng 1, Kon Rờ Bàng 2 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) – những ngôi làng có lịch sử hình thành lâu đời dọc sông Đăk Bla (từ trước năm 1886 - PV).
|
Làng nay đã khác xưa nhiều lắm! Đường nhựa, đường bê tông trải dài vào từng xóm nhỏ nhưng hơi nước sông đặc trưng vẫn thoang thoảng, man mát đem lại cảm giác dễ chịu.
Sáng sớm ở đây khá nhộn nhịp. Dưới gốc cổ thụ, các chị, các mẹ đã bày bán những mớ rau mướt xanh mơn mởn. Bí đỏ, bí xanh quả nào quả nấy láng coong. Những quả bắp hạt đều tăm tắp, trắng sữa nhìn rất bắt mắt.
“Rau này không có thuốc đâu, mình trồng ở men bờ sông, phù sa nên tốt và xanh thế đấy” – một chị nhanh nhảu mời hàng.
Ghé qua bên cạnh, từng con cá trắm, cá diếc tươi rói vùng vẫy trong thau nước nhỏ. Chị bán cá mở đôi mắt to tròn với hàng lông mi dài cười e thẹn trước ống kính ghi hình: “Chồng mình mới đánh được ở sông Đăk Bla về đấy! Tươi lắm, ngon lắm!”.
Những lời mời chào sao lạ mà quen lắm! À, trước đây vào xã, anh Nguyễn Đình Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang đã từng nói với chúng tôi tương tự như vậy.
Anh bảo, vùng đất này nằm bên dòng sông Đăk Bla, ngoài việc trồng các loại cây công nghiệp, người dân nơi đây chủ yếu trồng trọt các cây ngắn ngày, rau, củ và đánh bắt cá để cải thiện đời sống. Vì trồng bên sông, đất phù sa nên rau củ phát triển rất tốt, chất lượng. Bởi vậy, nhiều người từ ngoài phố thường tìm vào làng sớm để mua được những mớ rau ngon, những con cá ngọt.
Theo tay anh chỉ, chúng tôi tìm xuống nhà già làng A Ngêh ở làng Kon Rờ Bàng 2 để tìm hiểu về lịch sử của làng. Tổ tiên già làng A Ngêh ở đây. Bản thân già làng A Ngêh cũng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. 76 năm ở dọc bờ sông, có điều gì trong làng, trong xóm mà già làng A Ngêh không rành rọt.
Cũng như bao gia đình khác, già Nghêh trồng lúa, trồng bắp, trồng mía, mì hai bên bờ sông. Già bảo, trước đây khi chưa có lịch đóng, xả nước của thủy điện, cứ 1 năm, người dân nơi đây chỉ trồng một vụ lúa nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Sau này, mùa nào vụ nấy, bà con tranh thủ trồng mì, trỉa bắp, trồng mía…
“Mía thì đượm ngọt còn mì thì củ nào củ nấy to bằng cổ chân, được mùa lắm, nhờ đó đời sống kinh tế cũng ổn định hơn”- già Ngêh khoe. Có lẽ thế mà trên địa bàn xã chỉ còn 5,04% hộ nghèo.
Dọc con đường nhỏ, chúng tôi xuống bến sông. Tại đây, từng nhóm khoảng 2-3 người đang mang gùi, mang cuốc, chuẩn bị sang sông bắt đầu một ngày làm việc.
|
Phía xa xa, nhiều người đã chèo thuyền độc mộc chở về từng bó cỏ xanh rờn.
Mắt nhìn xa xăm, già A Ngêh chậc lưỡi tiếc nuối: Ngày xưa, mặt trời chưa mọc dân làng đã hò nhau đến bến sông cùng chèo thuyền độc mộc đi làm. Mùa nước cạn mọi người hùa bò lội qua sông để sản xuất, chiều lại kéo về đây tắm giặt, chia sẻ buồn vui. Nay dù vẫn sản xuất bên bờ sông nhưng bến sông không còn vui như trước nữa...
Ừ, thì đời sống ngày càng phát triển cũng là lúc những điều ta tiếc nuối lùi dần vào trong quá khứ!
Ngược lại với hướng Kon Rờ Bàng, theo hướng đông nam khoảng 5km, chúng tôi đến với làng Kon Ktu ở xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum).
Bên ngôi nhà rông cao sừng sững, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện của già làng A Banh kể về làng của mình.
Ấy là từ năm 1969, khi từ Gia Lai chuyển lên, bà con người Ba Na thấy ở khu vực này đất rộng rãi, thoáng mát hơn nữa lại gần sông, nguồn nước dồi dào nên liền lập làng. Thoạt đầu chỉ có vài người, dần dần cộng đồng làng hình thành và đoàn kết thương yêu nhau như ngọn cây, gốc cỏ.
Xuống bến sông của làng, từ bên này sông nhìn qua, vườn chuối xanh ngắt một màu. Dưới sông, nhiều chiếc thuyền nằm yên bến đợi. Trên bờ, người người gùi từng bó củi, từng bó rau trở về khiến bến sông thêm rộn ràng.
“Nay vẫn như thế, người dân vẫn trồng trọt, đánh cá, dựa vào “lộc sông” mà sống đấy cô” – già A Banh kể.
Trưa xuống nhưng làng Kon Ktu vẫn mát dịu.
Không mát sao được khi quanh con đường nhỏ vào làng rợp bóng cây cối. Và đặc biệt, hơi nước từ sông thoang thoảng như chiếc quạt hơi nước xua tan đi oi bức.
Đây đó, các mẹ, các chị vẫn mải miết bên khung cửi, dệt vải để làm ra những bộ Kơtu đặc trưng của người Ba Na. Đàn ông cũng cần cần mẫn đan từng chiếc sọt, cái gùi với đường nét hoa văn sắc sảo.
Xa xa, từng đoàn khách du lịch ghé vào tham quan, ở lại trong làng. Không phải ngẫu nhiên mà du khách lại chọn vùng đất này để thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.
Bởi ở đây, mỗi người tìm được sự thanh bình trong nhịp sống hiện đại. Và vào đây, du khách được hòa cùng với khung cảnh thiên nhiên, được sống với văn hóa đặc sắc của người Ba Na.
Có riêng gì Kon Ktu, ở làng Kon Rờ Bàng, người dân vẫn giữ nghề dệt truyền thống của người Ba Na.
|
Chúng tôi rất ấn tượng nhìn thấy chị Y Pưih dạy cho những người con gái của mình dệt lấy những tấm thổ cẩm với hoa văn sắc sảo của người Ba Na.
Và thật vui khi hậu sinh khả úy, con gái Y Âu của chị đã nức tiếng dệt nhanh, dệt giỏi nhất làng.
Hay ở làng Kon Hra Chót – phường Thống Nhất, dù các sản phẩm thổ cẩm rất ít người mua song các mẹ các chị vẫn miệt mài bên khung cửi, đơn giản chỉ để lại những nét duyên, giữ lại đặc sắc trong văn hóa của người Ba Na.
Buổi tối ở những ngôi làng cũng thật bình yên. Trong đêm, con nít thi nhau vỗ tay để bắt được những chú đom đóm nhỏ. Cùng với tiếng nước sông chảy nhè nhẹ, tiếng hò reo với những trò trốn tìm, rồng rắn lên mây của các em nhỏ như làm rộn ràng cả xóm.
Đó là những ngày thường, vào những đêm trăng thanh tịnh, nhịp xoang vẫn đều đặn trong tiếng cồng ngân vang bên bếp lửa bập bùng…
B.A