Làng Lương Khế
Được thành lập từ đầu thế kỉ XX, làng Lương Khế là một trong những khu dân cư người Kinh sống bằng nghề mua bán, trao đổi hàng hóa được hình thành sớm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trải qua hơn 100 năm, cây đa cổ thụ nằm tại ngã ba đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Hoàng Văn Thụ thành phố Kon Tum hiện nay vẫn xanh tốt và vững chãi.
Chính tại cây đa này, vào năm 1894 những cư dân đầu tiên của làng Lương Khế từ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, theo đường 19 vượt đèo An Khê, vượt sông Đăk Bla và dừng chân nghỉ lại đêm đầu tiên tại Kon Tum. Đây cũng là khu vực các bậc tiền hiền chặt nhát rìu đầu tiên để khai khẩn, thành lập làng mới, đó là làng Lương Khế.
|
Theo lời kể của các bô lão trong làng Lương Khế và theo các tài liệu ghi chép của đình làng còn lưu giữ thì người đầu tiên có công đi tiền trạm lên Kon Tum, sau đó về Bình Định mộ dân lên lập làng đó là ông Đặng Ngại.
Ông Đặng Ngại có tên thật là Đặng Kháng, quê ở thôn Tân Ốc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lúc đầu theo chân ông Đặng Ngại lên Kon Tum lập làng mới chỉ có chừng 10 gia đình, đó là các ông Nguyễn Huy, Thái Đặng, Huỳnh Thừa, Võ Thủy, Thái Nam, Trần Văn Hóa, Trần Ô, Ngô Đình Quang, Trần Kiến. Về sau này, dân làng Lương Khế tôn vinh 10 người này trở thành tiền hiền và lập bàn thờ để thờ các vị trang trọng tại gian phía nam của đình Lương Khế.
Thuở ban đầu, khi mới từ Bình Định lên lập làng, những cư dân của làng mới Lương Khế gặp không ít khó khăn và thách thức. Bởi lẽ, vì không chấp nhận theo thiên chúa giáo nên họ không được phép định cư tại các vùng đất màu mỡ ven sông, nơi có các làng thiên chúa giáo do người Pháp bảo hộ như các làng Tân Hương, Phương Quý, Phương Hòa, Phương Nghĩa.
Vì vậy, những gia đình đầu tiên của làng Lương Khế phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc để khai khẩn khu vực phía bắc của làng Tân Hương, đây là vùng đất ít màu mỡ và xa sông Đăk Bla nhưng có lợi thế là bằng phẳng và thuận lợi cho giao thông đường bộ.
Vào năm 1911 khi quá trình khai khẩn đã hình thành, người dân làng mới gửi đơn xin lập làng và được Quảng đạo Kon Tum là Tôn Thất Toại đồng ý. Từ đó, làng Lương Khế chính thức được hình thành và trở thành một địa danh hành chính của Kon Tum. Theo các vị bô lão trong làng kể lại, cái tên Lương Khế có nghĩa là làng của người Lương( không theo tôn giáo nào) đã có khế ước chia đất của triều đình.
|
Làng Lương Khế khi thành lập có diện tích khá rộng, phía bắc giáp với khu vực rừng, nay là đường Phan Chu Trinh; phía Nam giáp làng Tân Hương, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay; phía đông giáp làng Phương Nghĩa, khu vực đường Tăng Bạt Hổ và Ka Pa Kơ Lơng ngày nay; phía Tây giáp làng Trung Lương nay là đường Hoàng Văn Thụ.
Do đất đai không thuận lợi cho việc trồng trọt nên phần lớn cư dân của làng Lương Khế lấy việc mua bán, trao đổi hàng hóa và làm nghề thủ công làm chính. Đây cũng là cơ sở để dần hình thành nên các xóm nhỏ mua bán và làm nghề thủ công, là cơ sở cho việc hình thành nên khu vực mua bán sầm uất tại nội thành của thành phố Kon Tum ngày nay.
Cùng với phát triển về thương mại, khi lập làng tại Kon Tum, những công dân của làng Lương Khế đã mang đến vùng đất này nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng đồng bằng Trung bộ. Biểu hiện rõ nét nhất là mô hình kiến trúc và nét tâm linh của dân làng Lương Khế.
Từ năm 1913, dân làng đã thành kính xây dựng đình Lương Khế để thờ Thần hoàng, thờ vua tổ Hùng Vương và thờ tiền hiền. Đây là ngôi đình được Vua Khải Định ban sắc thần vào năm 1925 và được Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch bình chọn là 1 trong 61 ngôi đình cổ tiêu biểu nhất của Việt Nam.
Về phía Tây của làng, nơi các bậc tiền hiền chặt nhát rìu đầu tiên để khai khẩn lập làng, dân làng Lương Khế đã xây dựng điện thờ thánh mẫu Thiên Y A Na (Am bà đường Hoàng Văn Thụ). Đây là vị thánh thường được cư dân biển thờ phụng vì theo truyền thuyết bà thường cứu cư dân trên biển mỗi khi gặp nạn.
Về phía đông của làng có am xóm lưới, nay là Linh am tự ở tổ dân phố 1 phường Thắng Lợi. Phía Nam của làng có am xe kéo, nay là Hội thanh minh nghĩa tự và phía bắc của làng có Am xóm chùa, nằm ở khu vực chùa Bác Ái, khu vực này hiện nay đã được giải tỏa để xây dựng công viên.
Việc dân làng Lương Khế xây dựng Đình làng và điện thờ thánh mẫu cùng với các am thờ tự theo 4 hướng với mong muốn là cầu mong cho thần linh phù hộ, che chở cho dân làng an cư lạc nghiệp. Ban đầu đình Lương Khế và điện Thánh mẫu chỉ được xây dựng tạm bợ.
Đến năm 1962, khi kinh tế phát triển, dân làng Lương Khế tiếp tục xây dựng đình làng và điện thánh mẫu kiên cố hơn. Ông Nguyễn Đình Bảo, hiện ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, người thiết kế xây dựng đình Lương Khế và điện Thánh Mẫu kể lại.
“Năm 1955 tôi bước chân lên Kon Tum được may mắn làm rễ của làng Lương Khế, bố vợ là ông Phạm Văn Lưu, thời gian trước đây đình làng xây về hướng Đông, sau đó các cụ bàn bạc và quyết định xây về hướng Tây vì nó dựa vào đường Phan Thanh Giảng, nay gọi là đường Trần Phú vì nó có chiều sâu hơn. Lúc đó năm 1962 tôi thiết kế am bà, am xe kéo và đình Lương Khế cùng một thời điểm và dựa vào lối kiến trúc của Huế là xây nhà chữ môn. Trong thời gian thiết kế thì các cụ yêu cầu trong gian chánh điện phải có bàn thờ của Vua Hùng.”
Qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, điều đáng tự hào là dân làng Lương Khế vẫn gìn giữ và phát huy được nhiều nét văn hóa cổ truyền như hàng năm vào dịp rằm tháng 2 đình làng và các am thờ tự đều tổ chức Lễ Tế xuân với nhiều nghi lễ truyền thống như tế thần, tế âm, tế tiền hiền để cầu mong cho quốc thái, dân an, bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền hiền khai cơ, hậu hiện khai khẩn.
Một trong những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu nhất của làng Lương Khế đó là ngay từ thuở lập làng và xây dựng đình làng, dân làng đã thành kính lập bàn thờ đức tổ Hùng Vương ngay gian chánh điện và mỗi năm vào dịp 10/3 âm lịch dân làng Lương Khế lại tập trung về đình làng cùng nhau tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương, thành kính dâng hương- hoa tưởng vọng Vua Hùng, vị vua đã khai quốc lập nên nước Văn Lang của dân tộc Việt Nam.
Mỗi lần Giỗ tổ cũng là dịp người dân ở đây tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá lập làng và ghi công đức các bậc hậu hiền có công góp sức, góp của bảo vệ, xây dựng và phát triển làng Lương Khế. Đây cũng là dịp để các bậc cao niên trong làng nhắc nhở con cháu rằng, mọi người dân đất Việt, dù miền Bắc hay miền Nam, dù đồng bằng hay miền núi, không phân biệt người Kinh hay dân tộc thiểu số, đều sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ, đều là con cháu Vua Hùng.
Kinh tế xã hội phát triển, thị xã Kon Tum ngày nào giờ đã là thành phố Kon Tum sầm uất và nhộn nhịp. Làng Lương Khế giờ không còn là đơn vị hành chính mà đã phát triển thành khu vực đô thị nằm trên địa bàn của 3 phường gồm Thống Nhất, Thắng Lợi, Quyết Thắng thuộc thành phố Kon Tum.
Sự chia cắt theo đơn vị hành chính mới này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự gắn kết và các hoạt động theo quy mô của làng như thuở ban đầu.
Tuy nhiên, với người dân làng Lương Khế, mặc dù không còn tồn tại với tư cách là một làng trọn vẹn nhưng họ vẫn luôn tự hào về ngôi làng cổ của mình. Bởi lẽ, làng Lương Khế đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên đô thị Kon Tum. Đặc biệt hơn, làng đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa trên địa bàn tỉnh Kon Tum trở nên phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu truyền thống.
Gia Nghi