Hồn mẹ Lúa
Theo quan niệm tín ngưỡng từ thuở xa xưa của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, thần lúa mang hồn phụ nữ, nên các nghi lễ, hội lễ cúng hồn lúa, mừng mẹ Lúa được tổ chức gắn với từng gia đình, hay cộng đồng làng đều để bày tỏ lòng biết ơn, kính quý đối với thần linh và cầu mong những điều may mắn tốt lành sẽ tới, tai ương khổ ách được qua.
Gắn với tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống, trong hệ thống nghi lễ, lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm ở tỉnh Kon Tum đều có lễ mừng lúa mới.
Bên cạnh đó, theo vòng đời của cây lúa rẫy, thì từ lúc hạt lúa mới được tỉa xuống, đến khi lúa vào kho, rồi từ kho trở lại nương rẫy, mỗi dân tộc còn có các lễ cúng và hội lễ riêng, tương ứng với từng công đoạn sản xuất, thể hiện sự đa dạng, phong phú trong quan niệm tâm linh và đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân.
|
Ông A Oa ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông kể: Người Xơ Teng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) từ xa xưa đã có lễ ăn lá lúa (cùng lá bí). Lễ ăn lá lúa (lá bí) được tổ chức vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, sau lễ tỉa lúa 2-3 tháng. Lễ vật chủ yếu gồm rượu ghè, gà (hoặc heo), măng, rau...
Sáng sớm, nữ chủ nhà mang gùi lên rẫy, để tránh gặp người lạ và nghe tiếng chim kêu trên đường đi. Sau khi khấn cúng, xin mẹ Lúa phù hộ cho mùa màng tốt tươi, được nhiều lúa nhiều gạo, nữ chủ nhà tự tay hái lá lúa, lá bí, mỗi loại chỉ độ 7-9 lá, đựng vào chiếc gùi "thiêng".
Gùi "thiêng" (gùi kiêng cữ) là loại gùi nhỏ, chỉ được dùng vào những việc quan trọng, không đựng đồ thường ngày. Gùi "thiêng" đựng lá lúa, lá bí được giữ cẩn thận, mang về nhà, không để người hoặc gia súc, gia cầm bước qua.
Máu của con vật hiến sinh (gà hoặc heo) được vảy lên số lá lúa, lá bí này và trộn đều với gạo, bỏ vào chiếc nồi nhỏ (cũng là nồi kiêng cữ) đem nấu chín, làm lễ vật cúng.
Tháng 10, 11 hàng năm, khi lúa đã chín vàng trên những vạt đồi cao, những đám rẫy xa hút, là lúc người Gia Rai dưới chân núi Chư Mom Ray vui mừng làm lễ đón lúa mới.
Lễ vật đơn giản cũng chỉ gồm rượu ghè, gà hoặc heo, nhưng được các gia đình chuẩn bị chu đáo từ trước. Những bông lúa to nhất, đẹp nhất được ngắt riêng, bó lại, treo trong nhà, tượng trưng cho ước nguyện mùa màng năm sau lại mưa thuận gió hòa, nhà nhà nhiều thóc nhiều gạo.
Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, người Ba Na ở Kon Tum quan niệm lúa có hồn, nên mẹ Lúa luôn được mọi người coi trọng, ra sức giữ gìn cẩn thận, từ trên nương rẫy, đến trong kho, trong nhà.
Những điều kiêng cữ trong quá trình trồng tỉa, bảo quản, sử dụng hạt lúa được nghiêm ngặt tuân thủ chính là để làm vui lòng, tránh phật ý mẹ Lúa, để mẹ Lúa phù hộ cho mọi người gặp may mắn, thuận thả trong quá trình sản xuất.
Trong lễ mừng lúa mới cổ truyền của người Ba Na, nghi lễ đón lúa mới có các công đoạn công phu, tỷ mỉ. Trước hôm tổ chức lễ mừng lúa mới, vợ chồng chủ nhà lên rẫy, mang theo cuộn dây mây đã được tước thành sợi để "dẫn đường" cho lúa về nhà.
Trên đoạn đường sợi dây được căng ra từ rẫy về đến kho lúa ở nhà, qua những ngã rẽ, ngã ba đường, gia chủ phải lấy bông lau cắm xuống, để "làm dấu" chỉ đường cho hồn lúa không bị lạc. Từ rẫy về nhà mà phải qua suối, qua sông, thì sợi dây mây chính là chiếc cầu để hồn lúa đi qua không bị ướt nước.
Ở kho lúa tại gia, lại có một chiếc cầu thang nhỏ được bắc cho hồn lúa lên.
Ngày xưa, cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc phổ biến đều gắn với người đàn ông trong vai trò chế tác và diễn xướng. Tuy vậy, xuất phát từ quan niệm thần lúa là phụ nữ, nên một số nhạc cụ mang hồn mẹ Lúa, cũng được thể hiện mang đậm "nữ tính".
Thuở xa xưa, những cô gái Xê Đăng chính là "tác giả" của đàn klông pút làm bằng lồ ô, mang hồn mẹ Lúa. Nghệ nhân ưu tú Y Sinh ở thị trấn Đăk Tô kể: Ngày ấy, tháng 1, tháng 2 hàng năm là vào mùa rẫy; mọi người kéo nhau lên rừng, phát rẫy ròng rã hàng tháng trời. Ở đó, họ lấy lồ ô cắt gọt thành những ống dài ngắn khác nhau, thổi lên cho vui, cho quên cảnh núi rừng đìu hiu.
|
Sở dĩ, ban đầu, klông pút chỉ được nữ giới sử dụng trên nương rẫy vào mùa lúa, vì người ta quan niệm, hạt lúa giống được đựng trong ống lồ ô, nên hồn mẹ Lúa trú ngụ ở đó. Đánh đàn klông pút chính là khơi gợi, đánh thức mẹ Lúa, để mang lại những điều tốt đẹp.
Mang hồn mẹ Lúa, nên klông pút cũng là tiếng lòng của những cô gái Xê đăng đảm đang, khéo léo gửi tới người con trai mà mình để ý, thầm nhớ trộm thương.
Nghệ nhân ưu tú Y Sinh hiện là nữ nghệ nhân người Xê Đăng duy nhất trong tỉnh còn thuộc và diễn xướng thuần thạo 7 bài dân ca cổ của dân tộc mình, tương đương với 7 khúc nhạc diễn xướng bằng dàn đàn klông pút. Trong đó, liên quan đến mẹ Lúa, có ít nhất 3 bài: Lên nương, tỉa lúa, mừng lúa mới.
Với người Giẻ - Triêng, chỉ có đàn ông mới thổi đinh tút, nhưng do đinh tút có nguồn gốc liên quan đến mẹ Lúa; dùng trong lễ cúng, gọi hồn lúa, đưa đường cho lúa từ rẫy về nhà; nên từ xa xưa, người đàn ông đã phải đóng giả là phụ nữ khi diễn xướng nhạc cụ này.
Ông BLoong Ngố ở làng Dục Nhầy 1, xã Đăk Dục cho hay, thổi đinh tút cần 6 người, mỗi người một ống nứa, nhưng ngày trước, trong lễ hội của làng, đám trai làng thổi đinh tút không mặc khố truyền thống, mà đều khoác tấm choàng thổ cẩm dài từ cổ xuống chân, như chiếc váy của phụ nữ.
Trang phục "kín như bưng", người thổi đinh tút chỉ thò tay ra ngoài để cầm ống sáo. Người Triêng quan niệm, hồn lúa là cô gái xinh đẹp, nhưng yếu đuối, nhút nhát; thấy bóng đàn ông, nàng xấu hổ, bỏ chạy. Hồn lúa bỏ chạy thì không tránh khỏi mất mùa, đói kém; nên khi thổi đinh tút, những người đàn ông phải "hóa trang" thành đàn bà.
Theo thời gian cùng những đổi thay của cuộc sống, tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số liên quan đến mẹ Lúa đã có nhiều thay đổi. Bây giờ, nam giới cũng thành thạo chế tác và diễn xướng đàn klông pút rất hay. Người thổi đinh tút sau này không còn bắt buộc phải mặc "giả gái" như trước. Một số nghi lễ, hội lễ liên quan đến vòng đời của cây lúa rẫy cũng không còn phổ biến.
Tuy vậy, những nét đẹp cơ bản, có tính biểu trưng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên như lễ tỉa lúa, mừng lúa mới, mở lúa kho... vẫn được duy trì tổ chức, thể hiện tâm linh hướng thiện và khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên.
Thanh Như