Già làng A Jin Đen với nghệ thuật ẩm thực truyền thống
Về làng Kon Brắp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) vào những ngày đầu năm nay, được gặp gỡ và nghe “cây đại thụ” của làng - A Jin Đen - kể về những món ẩm thực của người dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lơng) nơi đây, chúng tôi háo hức được nếm thử mùi vị ngọt ngào của đại ngàn, vị cay nồng của tiêu rừng, vị chua ngọt của lá mì, vị đăng đắng của ruột cá suối... và hơn thế nữa, vị nồng nàn của thứ rượu ghè đê mê lòng du khách thập phương.
Bảo tồn ẩm thực truyền thống
Đứng trên chiếc cầu treo dài khoảng 150m vắt qua dòng sông Đăk Pne hiền hòa ở xã Tân Lập, chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ mái nhà rông cao vút được dựng lên ở giữa làng, đó chính là niềm kiêu hãnh của bà con dân làng Kon Brắp Du.
Tại nhà rông này, già làng A Jin Đen tâm sự: Từ khi được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng cho đến nay, ông đã cùng dân làng tổ chức được 34 lần lễ hội truyền thống khác nhau của dân tộc mình. Mỗi lần như vậy, vấn đề ẩm thực luôn được ông và dân làng coi trọng, trong đó có từ 5-6 món ẩm thực hoàn toàn từ các sản phẩm của núi rừng được bà con trồng trọt, hái lượm, săn bắn, đơm bẫy… tạo thành để có được bữa ẩm thực đoàn kết. Những món ăn này được già làng và bà con trong làng chọn lọc ra, sau đó chế biến công phu để dùng trong các lễ hội, hoặc trong nhiều hội thi như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc do huyện tổ chức, hay Hội thi Phụ nữ khéo tay do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức…
Năm nay, già làng A Jin Đen đã bảy mươi tư tuổi, nhưng với nước da hồng hào, khỏe mạnh và hoạt bát, ai cũng nghĩ già chỉ trạc sáu mươi. Từ khi có quyết định nghỉ hưu vào năm 2004, bà con dân làng ai cũng biểu quyết bầu ông làm già làng.
|
Cũng trong năm đó, ông đứng ra thành lập đội cồng chiêng của làng và cùng với đội múa xoang để vận động bà con dân làng giữ gìn các lễ hội truyền thống của dân tộc mình với các nét văn hóa đặc sắc và đặc biệt là những món ẩm thực truyền thống như: thịt dúi, kiến chua, các loại rau rừng… để vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thu hút du khách thập phương đến với địa phương, qua đó góp phần phát triển du lịch, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho bà con.
Theo lời kể của già làng A Jin Đen, khi tổ chức lễ hội, tùy theo từng lễ hội cụ thể, ông đều có một chủ đề ẩm thực khác nhau, phù hợp với thời tiết của từng mùa trong năm để mọi người thưởng thức. Kon Rẫy có hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên mỗi mùa có những món ăn đặc trưng riêng. Điển hình như tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện năm nay vừa mới tổ chức, làng Kon Brắp Du được UBND xã Tân Lập chọn đi tham dự với chủ đề “Mỹ thực núi rừng”. Có nghĩa là những món ăn dân dã xuất phát từ núi rừng vừa ngon, vừa trình bày đẹp mắt như: con ốc, con cua, cá suối, con dúi, con dế, con kiến chua, đọt mây, rau rù rì… mọc ven đồi núi, hay rau dớn mọc ở các con suối bìa rừng.
Các món ẩm thực đặc trưng
Mỗi món rau rừng thường được kèm nấu với một con vật khác nhau. Cụ thể, như món “ốc um chuối”, ông chỉ đạo bà con dân làng rửa sạch những con ốc suối, sau đó đem um với trái chuối, đặc biệt là chuối lùn. Khi vừa chín tới, ông cho lửa nhỏ riu riu để ốc thấm vào chuối, thì mới cho chúng ta cái vị ngọt, vị bùi của chuối và vị nồng cay dai dai của ốc. Đây là một món ăn dễ chế biến nhưng rất đậm đà, có nhiều chất dinh dưỡng, vì nó cung cấp nhiều đạm, can xi, vitamin… và dễ hấp thu.
Món “dế xào sả ớt” lại rất phù hợp vào mùa mưa ở Kon Rẫy. Bởi vì, con dế là loại côn trùng rất dễ tìm và chỉ vài chục con dế kèm theo ít sả, ớt được trồng trong vườn nhà, thì gia đình nào cũng có được món ăn ngon miệng này vào những ngày mưa gió. Món này được người dân tộc Ba Na gọi là món quê dân dã, dễ ăn và giàu chất đạm, canxi, protein, ít chất béo...
Món luôn được bà con dân làng ưu ái trong các bữa tiệc gia đình đó là món “cá suối và rau rù rì nướng ống”. Sau khi cá suối và rau rù rì được rửa sạch, ướp với gia vị chủ yếu là muối, bột ngọt, vài quả ớt tiêu rồi cho vào ống lồ ô, đưa vào bếp lửa than xoay đều tay trên ngọn lửa than hồng khoảng 1 tiếng đồng hồ là chín và sẽ có mùi vị thơm đậm đà từ lá rù rì thấm vào con cá, tạo hương vị nhẩn đắng rất độc đáo.
Món “lá mì chua thịt heo ba chỉ” thì đơn giản nhất và ít tốn kém nhất, bởi nó được làm từ lá mì muối chua. Từ lá mì (chỉ lấy lá mì giống xưa cũ của đồng bào dân tộc trồng) ngâm chua, người Ba Na chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như: Thịt ba chỉ trộn lá mì chua, lá mì nấu cá khô, canh chua lá mì… Những khi mùa mưa đến, không có thịt tươi, người Ba Na ở đây chế biến lá mì với thịt khô như: khô dúi, khô cheo, khô nhái…, trong đó giản dị nhất là lá mì nấu với cá khô.
Đặc biệt, món “Thịt dúi nấu với rau rừng” ăn lúc còn nóng thật là khoái khẩu. Sau khi làm sạch thịt dúi, họ ướp với một ít muối hột và bột ngọt kèm theo vài quả ớt nấu với các loại rau rừng sẽ tạo nên vị cay cay, làm cho miếng thịt dúi vừa mềm, vừa dai rất ngon ngọt.
Phát triển du lịch cộng đồng
Già làng A Jin Đen tự hào: Nhớ có một lần dân làng đón đoàn khách từ một huyện phía bắc vào thăm điểm du lịch cộng đồng của làng, vì mùa nắng thức ăn núi rừng hơi hiếm, nên ông cùng với dân làng chỉ làm 3 món vừa khô, vừa tươi. Trong đó, món khô là con dơi, con nhái, con dúi đã được bà con phơi khô trên giàn bếp và món tươi là món kiến chua, thêm món đọt mây luộc. Nhìn vào rất đơn giản, nhưng du khách đã thưởng thức với tấm lòng rất nhiệt tình. Họ cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời họ được thưởng thức những món ăn kỳ lạ, rất ngon miệng và để lại cảm giác thú vị. Sau chuyến du lịch này, họ nói là sẽ về kể lại cho mọi người biết về các món ẩm thực cũng như tấm lòng của người đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và có dịp họ sẽ trở lại...
Bàn về ẩm thực, chị Y Đoan - người con gái của làng tự hào: Món ăn của người Ba Na thường chế biến khô, ít khi dùng nước và nướng chín trong ống lồ ô là chính. Mỗi một món ăn đều có hương vị đặc trưng riêng của núi rừng… Các nguyên liệu chế biến các món ăn được sử dụng một cách tương sinh hài hoà với nhau và thường thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển”. Chẳng hạn như món ăn nào dễ gây lạnh bụng thì buộc phải có gia vị cay nóng đi kèm và đặc biệt phải có rượu ghè. Tất cả các sản phẩm để làm nên văn hóa ẩm thực dân gian này đều từ động thực vật của núi rừng Kon Rẫy. Chính sự thân thiện của con người cùng các món ẩm thực của núi rừng dân dã và sự hấp dẫn, phong phú vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ ấn tượng của làng Kon Brắp Du đã làm say lòng du khách thập phương.
Với cách làm du lịch dung dị, đời thường mà già A Jin Đen định hướng cho dân làng trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần đưa làng Kon Brắp Du trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Tây Nguyên. Vì thế, tháng 11/2017, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đó chính là một trong những ghi nhận của chính quyền địa phương, của dân làng đối với những đóng góp bền bỉ của già làng A Jin Đen trong sự nghiệp gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Và cùng với những nỗ lực của bản thân già làng A Jin Đen và người dân trong làng, UBND huyện Kon Rẫy đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Brắp Du, hứa hẹn sẽ là một sự đồng hành lớn để con đường làm du lịch của cộng đồng làng mang lại hiệu quả xứng tầm.
Từ đó đến nay, mỗi dịp làng có khách phương xa ghé thăm, hay vào mùa lễ hội, những tiếng cồng chiêng lại vang lên vọng cả núi rừng, hòa nhịp cùng những điệu múa xoang uyển chuyển bên những ghè rượu cần nồng nàn, đặc biệt là các món ẩm thực truyền thống, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dấu ấn và đưa làng Kon Brắp Du trở thành một điểm đến thú vị cho du khách cả trong và ngoài nước.
Và giờ đây, khi đã bước sang cái tuổi bảy tư, ông A Jin Đen vẫn luôn là một “người thầy không bục giảng” bền bỉ như thế của dân làng.
Bài, ảnh: Vĩnh Hà