Độc đáo chiếu Cỏr của người Giẻ ở Đăk Glei
Từ xa xưa, người Giẻ ở Đăk Glei đã biết đan chiếu Cỏr để nằm ấm (loại chiếu đặc trưng riêng có được làm từ lá Cỏr-dứa rừng) nhằm chống chọi với cái lạnh những tháng cuối năm ở vùng cao. Ngày nay, tại các làng đồng bào Giẻ ở vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Glei, nhiều gia đình vẫn còn giữ phong tục đan loại chiếu truyền thống này.
Vật để trao đổi hàng hóa
Trong tiết trời lạnh buốt của những ngày cuối năm, tôi theo chân anh A Nháo và ông A Nhát - Thôn trưởng thôn Đông Nây, xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) vào rừng để tìm cây Cỏr về đan chiếu.
Anh A Nháo cho biết, cây Cỏr không mọc ven sông, suối ẩm ướt mà mọc thành bụi dưới những tán cây rừng rậm rạp. Anh dẫn chúng tôi men theo con đường mòn phía sau làng vào tận những khu rừng già để chỉ cho tôi biết cây Cỏr.
Nhìn thấy những bụi cây xòe những chiếc lá có thân rất dày, xanh mướt, dài đến mấy sải tay (lá tốt dài đến gần 3m), anh A Nháo giới thiệu với chúng tôi đấy là cây Cỏr. Dưới một vùng rừng già rậm rạp, có đến vài chục bụi cây Cỏr mọc dày đặc.
|
Phát những cành gai bao bọc chằng chịt xung quanh những bụi cây Cỏr, ông A Nhát nhanh chóng chặt được một bó lá Cỏr to. Vì lá Cỏr có gai ở hai bên mép lá và phần sống lưng nên trong lúc chặt lá, ông A Nhát rất cẩn thận.
Ông mạnh tay phát bỏ những chiếc lá Cỏr bị rách và xấu xí bên ngoài bụi cây để dễ dàng đưa chiếc rựa vào sâu bên trong chặt lấy những chiếc lá thật dài, thật tốt. Ông nói, vì là loại cây rừng nên cây Cỏr có sức sống rất mãnh liệt, dù có chặt hết cả bụi thì cây cũng nhanh chóng vươn mình tua tủa lá.
Cắt được bụi Cỏr nào, ông A Nhát và anh A Nháo lại dồn thành đống. Quá trưa, thấy “chiến lợi phẩm” đã nhiều, hai người đàn ông ngồi lại dùng mấy cọng kẽm móc vào rựa để tước bỏ hết phần gai trên lá rồi bó lại mang về làng.
Người Giẻ thường đan chiếu Cỏr ở nhà rông, vì nhà rông rộng nên có thể thoải mái hong lá dưới bếp lửa và có chỗ ngồi đan lát thuận tiện.
Vừa mang mấy bó Cỏr về đến nhà rông, anh A Nháo liền khua mấy cây củi chất sẵn ở góc nhà đốt đống lửa để mọi người cùng quây quần hơ đôi bàn chân, bàn tay lạnh cóng. Còn ông A Nhát gác mấy cây tre đan chéo trên nhà rông, bên dưới bếp lửa để treo những lá Cỏr lên hong cho lá mềm.
Nghe chúng tôi đi rừng lấy lá Cỏr về đan chiếu, già làng A Chạc cũng đội mưa đến nhà rông. Trong câu chuyện miên man của mình, ông kể, ngày trước, cứ đến tiết trời mưa lạnh của những tháng cuối năm, không làm rẫy được thì bà con dân làng lại lên rừng lấy Cỏr về đan chiếu tại nhà rông.
Lá Cỏr được treo đầy ở trong nhà rông, bên dưới đốt đến 4-5 bếp lửa để hong lá mấy ngày liền rồi lại tụ tập nhau lại để đan chiếu. Một không khí làm việc cộng đồng rất vui tươi, náo nhiệt. Nghe già A Chạc kể mà trong tôi mường tượng ra khung cảnh đông vui của bà con nơi đây khi cùng nhau đan chiếu Cỏr dưới mái nhà rông…
Khi những chiếc lá bắt đầu héo, anh A Nháo cắm khúc cây gỗ có thân hơi góc cạnh xuống khe nhà rông rồi quấn từng chiếc lá quanh khúc gỗ, kéo qua kéo lại. Già A Chạc giải thích, làm như vậy để lá mềm ra, đan không bị gãy và khi nằm cũng êm hơn.
Không khó để đan chiếu Cỏr. Nhưng để có được một chiếc chiếu đẹp phải thật khéo tay: từng chiếc nan phải được bện chặt, không có khe hở; viền chiếu phải được gấp thẳng thớm, không được cong vẹo.
Chiếu Cỏr có nhiều kích cỡ khác nhau nhưng thông dụng nhất có chiều dài 3m và chiều rộng 2m. Nếu đan liên tục và có người trợ giúp một số công đoạn thì 1 ngày có thể làm xong 1 chiếc chiếu Cỏr. Chiếu Cỏr có đặc điểm rất ấm và bền, nếu giữ kỹ có thể dùng đến 7-8 năm mới hỏng.
Lấy những chiếc lá Cỏr được hong lửa hơi héo, già làng A Chạc đan cho chúng tôi xem. Qua giới thiệu của mọi người, được biết ngày trước già A Chạc nổi tiếng khéo tay, những chiếc chiếu Cỏr ông đan thường rất đẹp.
Già cho biết, trước đây người Giẻ ở Đăk Glei thường làm chiếu Cỏr mang sang Lào để đổi những tấm dồ về đắp và cà tu để mặc mùa lạnh. Thông thường, muốn có một tấm dồ đẹp, bà con phải đổi ít nhất 4 chiếc chiếu Cỏr (dài 2m, rộng 1,2m) và muốn có một chiếc cà tu phải đổi đến 3 chiếc chiếu Cỏr.
Quà cưới của các chàng trai Giẻ
Vừa đan lát, già làng A Chạc vừa kể, ngày xưa chiếu Cỏr được các chàng trai Giẻ dùng làm quà tặng cho gia đình người con gái mà mình yêu thích và có ý chọn người đó làm vợ.
Nhìn vào những chiếc chiếu đẹp do chàng trai tặng, các cô gái thường xin bố mẹ cho mình được chọn những quả dưa nước thật đẹp được trồng ở rẫy hay những trái bắp hạt đều, chắc được nướng thơm phức để mang đến tặng lại cho chàng trai. Đó là "thông điệp tình yêu" thể hiện cô gái đã ưng thuận, tạo cơ hội để chàng trai tiến tới việc cưới hỏi.
Năm 1968, già A Chạc lấy vợ là bà Y Xoan ở làng Măng Re (xã Đăk Man). Trước khi cưới bà Y Xoan về làm vợ, theo phong tục, ông đã đan 3 chiếc chiếu đến tặng cho gia đình bà. Nhìn chiếc chiếu được đan tỉ mỉ và rất đẹp, bố mẹ bà Y Xoan đã đồng ý gả con gái của mình cho A Chạc.
Thôn trưởng A Nhát cũng góp vui bằng chính câu chuyện của mình. 15 tuổi ông biết đan chiếu Cỏr. 19 tuổi ông cưới vợ là bà Y Đạt ở cùng làng. Trong thời gian tìm hiểu nhau, ông đã đan 3 chiếc chiếu đến tặng cho bố, mẹ bà Y Đạt.
Vui nhất với ông là sau khi nhìn thấy chiếc chiếu quà tặng, bố mẹ bà Y Đạt không những ưng thuận ngay mà còn khen ông có đôi tay khéo léo; tin rằng con gái họ lấy được ông sẽ sung sướng vì có được người chồng giỏi giang. Vậy là, không bao lâu sau ngày tặng chiếu Cỏr ông A Nhát và bà Y Đạt đã nên duyên vợ chồng sống hạnh phúc đến giờ.
Ông A Nhát cho biết, ngày trước, ở làng ông ai cũng biết đan chiếu. Bây giờ, đa số bà con mua nệm hoặc chiếu trúc, chiếu cói của người Kinh về nằm nên lớp người trẻ cũng ít ai biết đến phong tục tặng chiếu Cỏr làm quà cưới nữa.
Giữ nghề truyền thống
Mặc dù bây giờ trong nhà ông A Nhát có đầy đủ nệm, chiếu nhựa, chiếu cói nhưng với ông vẫn không thể bỏ được chiếu Cỏr. Mỗi khi khách đến thăm nhà, ông lại mang chiếc chiếu Cỏr trong góc nhà ra trải mời khách ngồi.
Theo ông, chính việc làm này cũng là một cách để nhắc nhở bà con dân làng và con cháu trong gia đình không được quên nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cứ vài năm, chiếc chiếu Cỏr của gia đình bị hư thì ông lại lặn lội lên rừng để chặt lá Cỏr về đan lại chiếc chiếu mới.
|
Nhận thấy chiếu Cỏr đang dần mai một, mùa lạnh năm ngoái, già A Chạc phát động bà con dân làng Đông Nây đi chặt lá Cỏr về tập trung ở nhà rông để người già truyền dạy cho người trẻ.
Phấn khởi nhất là dân làng tập trung rất đông đủ, nhiều người sau khi học xong đã tự tay mình đan những chiếc chiếu Cỏr về trải dưới sàn nhà ngồi ăn cơm hoặc xem ti vi – Thôn trưởng A Nhát chia sẻ.
Bây giờ, đến nhà rông làng Đông Nây, dễ dàng nhận thấy 6 chiếc chiếu Cỏr (chiều dài 3m, rộng 2m) được cuộn tròn gác ở kệ gỗ của nhà rông. Mỗi khi dân làng hội họp, bà con lại trải chiếc chiếu Cỏr ra ngồi.
Anh A Thuận – cán bộ văn hóa của xã Đăk Man cho hay, không chỉ Đông Nây mà hiện nay một số làng người Giẻ ở Đăk Man cũng có ý thức gìn giữ và khôi phục lại cách làm chiếu Cỏr truyền thống như Măng Khênh, Đông Lốc.
Mới đây, về làng Măng Khênh họp, anh A Thuận đã được nghe già làng A Rom phát động thanh niên trong làng đi rừng chặt lá Cỏr về để người già truyền dạy cho lớp trẻ cách đan chiếu, thấy thanh niên trong làng rất háo hức.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa, với vai trò là cán bộ văn hóa xã, anh A Thuận cho biết sẽ tiếp tục vận động già làng ở các thôn làng người Giẻ trên địa bàn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc này…
Sông Côn