Con trâu và lễ làm chuồng trâu của người Mơ Nâm
Với người Mơ Nâm ở huyện Kon Plông, con trâu có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa của mỗi gia đình. Chính vì vậy, hàng năm người Mơ Nâm đều tổ chức lễ làm chuồng trâu để thể hiện tình cảm yêu quý đối với loài vật này, đồng thời là dịp tạ ơn thần linh đã phù hộ cho đàn trâu khoẻ mạnh, sinh nhiều con để người dân có cuộc sống ấm no.
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) sống ở xứ sở mây ngàn Kon Plông quanh năm lạnh giá nên họ thường nuôi trâu vì con trâu là loài vật nuôi có thể thích nghi tốt nhất với khí hậu nơi này.
Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, hầu như nhà nào của người Mơ Nâm cũng đều nuôi trâu. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà họ nuôi nhiều hay ít, nhưng những hộ nghèo khó lắm cũng nuôi ít nhất được một hai con, còn những gia đình khá giả nuôi đến hàng trăm con.
Vì vậy, ngày xưa, ngoài chiêng, ghè thì con trâu cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá sự giàu có của mỗi gia đình và việc chăn nuôi trâu có vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân.
|
Trước đây, con trâu thường được người Mơ Nâm xem là hiện vật để trao đổi với các loại vật dụng có giá trị như chiêng, ghè và tài sản như đất đai. Con trâu còn là vật dùng để làm sính lễ khi người dân dựng vợ gả chồng cho con cái, vật đền bù, trả nợ...
Đặc biệt, trâu còn là con vật dùng để cúng thần linh trong các lễ hội quan trọng của dân làng, của mỗi gia đình; vì thế nó còn mang ý nghĩa như đại diện cho con người; khi người dân làm điều gì khiến thần linh nổi giận thì con trâu sẽ được dùng làm vật tế lễ, chết thay cho mạng người để tạ lỗi với thần linh.
Trong lao động sản xuất, người Mơ Nâm ở Kon Plông làm ruộng nước, họ nuôi trâu dùng để giẫm ruộng chứ không cày bừa giống như người dân miền xuôi, bởi theo lý giải của họ, do đặc điểm ruộng ở miền núi thường nhỏ hẹp, nằm rải rác ven suối rất khó cày bừa; việc dùng trâu giẫm sẽ tiện và dễ dàng hơn.
Đó là trước kia, bây giờ thì cách làm này chỉ còn áp dụng với những thửa ruộng nhỏ, bùn lầy, còn những mảnh ruộng có diện tích lớn hơn người dân chủ yếu dùng máy cày bừa nên con trâu cũng nhàn hơn.
Nếu như ngày xưa giá trị của con trâu được xếp sau chiêng, ghè, thì ngày nay con trâu mới chính là đầu cơ nghiệp của người dân. Cùng với việc canh tác ruộng, rẫy, chăn nuôi trâu chính là nguồn thu nhập chủ yếu của các gia đình, vì vậy, người dân ngày càng chú trọng hơn việc phát triển đàn trâu. Giờ đây, các gia đình người Mơ Nâm thường nuôi trâu theo nhóm hộ chứ ít có nhà nào nuôi riêng lẻ, mỗi nhóm 3- 5 nhà để tiện cho việc chăn thả, trông giữ đàn trâu.
Độc đáo lễ làm chuồng trâu
Trong một năm, người Mơ Nâm thường tổ chức nhiều lễ hội với qui mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng lễ làm chuồng trâu là nghi lễ lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân.
Vào khoảng tháng 2 hằng năm, người dân Mơ Nâm thường tổ chức lễ làm chuồng trâu, đây là lễ hội đầu tiên trong năm. Lễ hội này người dân làm để cầu mong cho con trâu khỏe mạnh không đau ốm, sinh nhiều con, giúp dân làng quần ruộng và tạ ơn các thần núi, thần sông, thần rừng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là dịp cố kết mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.
Già làng A Đúp (làng Kon Leng II, xã Đăk Long) kể: Trước đây, lễ làm chuồng trâu diễn ra trong 5 ngày, nhưng nay người dân rút lại chỉ còn 3 ngày. Tùy thuộc vào số lượng trâu của từng nhóm nhà mà họ làm chuồng to, nhỏ khác nhau; mỗi nhóm sẽ chọn một mảnh đất đẹp cách nhà chừng vài trăm mét để làm nhà mới cho trâu.
|
Trước kia khi chọn đất làm chuồng trâu, người dân sẽ mời một thầy cúng đến nhà để cúng chọn đất; ngày nay khi chọn đất để làm chuồng trâu xong, người trưởng nhóm sẽ đại diện các gia đình cúng xua đuổi ma quỷ và những xui xẻo đi hết rồi mới tiến hành đo đạc mảnh đất và đặt cọc làm chuồng.
Theo đó, trong ngày đầu tiên, một số phụ nữ được giao nhiệm vụ dọn dẹp khu đất mới đã được chọn để làm chuồng, số khác thì lên rừng hái rau, ra sông bắt cá... chuẩn bị nguyên liệu cho buổi lễ. Những người đàn ông thì vào rừng tìm dây, đẽo cọc, họ chọn các loại gỗ bền, khó mục như xa, dẻ... để mang về làm chuồng.
Ngày thứ hai tất cả cùng tập trung tại mảnh đất đã được chọn cùng bắt tay vào công việc làm chuồng và cúng thần linh. Chuồng trâu được làm đơn giản, song nghi lễ làm chuồng trâu rất quan trọng, được thực hiện rất nghiêm túc và chặt chẽ.
Trong ngày làm chuồng trâu, mỗi thành viên trong nhóm đều có một công việc cụ thể: phụ nữ thì vận chuyển các cây đến mảnh đất được chọn, còn đàn ông thì chôn các cột xuống và quây thành chuồng, các cây được những người đàn ông chôn thẳng đứng và được buộc giằng với các cây ngang, dây buộc là các loại dây rừng như dây mây, xay cộng, xay rắc; giữa các hàng cọc, cứ cách khoảng 1m được chôn một cây cột để tăng độ vững chắc cho chuồng trâu.
Tiếp sau đó, các thành viên trong nhóm đại diện cho từng gia đình sẽ tới bốn góc chuồng trâu gài những chiếc ná nhỏ có mũi tên chĩa ra ngoài với ý nghĩa tránh điều xấu làm hại đàn trâu.
Sau khi làm xong chuồng, các thành viên sẽ lần lượt lùa trâu vào chuồng, người ta chú ý chọn những con to nhất, đẹp nhất đàn lùa vào trước với những mong ước tốt lành.
Khi trâu đã được lùa vào chuồng, thành viên trong các gia đình cùng với trưởng nhóm sẽ cùng làm lễ cúng. Lễ vật cúng chuồng trâu thường là gà, heo, rượu. Nhà nào có điều kiện thì bao nhiêu con trâu sẽ mổ bấy nhiêu con gà, nếu không chỉ cần cúng một con là đủ.
Ngày thứ ba là ngày người ta làm cây nêu, cây nêu được trồng chính giữa chuồng trâu để khẳng định mảnh đất nơi dựng chuồng trâu này thuộc quyền sở hữu của từng nhóm và nay là chỗ ở của trâu, ma quỷ không thể xâm lấn hay làm hại đàn trâu.
Không những vậy, cây nêu còn được xem như là sợi dây tâm linh để thắt chặt mối quan hệ giữa con người với thần linh.
Sau khi tiến hành xong thủ tục và nghi lễ làm chuồng mới cho trâu, người dân sẽ quây quần để ăn uống, hát múa. Từ đây, mối quan hệ trong cộng đồng, dân làng được thắt chặt hơn. Dịp lễ này còn là dịp để ông bà, cha mẹ chia trâu, chia của cho cháu, con trong gia đình.
Có thể nói, lễ làm chuồng trâu là nét văn hoá độc đáo của người Mơ Nâm ở Kon Plông, không chỉ thể hiện nét đặc trưng về đời sống nông nghiệp, mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc củng cố mối đoàn kết cộng đồng.
Hiện nay, lễ hội này vẫn được người dân duy trì, tuy nhiên, nghi lễ có phần đơn giản hơn, có nhóm chọn làm chuồng mới, nhưng có nhóm chọn cách sửa sang, dọn dẹp lại chuồng cũ.
Đơn giản về nghi thức, nhưng chuồng trâu bây giờ lại được người dân làm kiên cố hơn, chắc chắn hơn để giúp đàn trâu tránh được giá rét.
Thuỳ Hương