Chuyện chưa kể về Anh hùng A Meh
Ngọn đồi là rừng xà nu, nơi ông A Meh (Đinh Môn) đi về trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ông là nguyên mẫu cụ A Mét trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành, nhưng có mấy ai biết, làng kháng chiến và cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Meh trong đời thực kể lại có khác cổ tích.
Mỗi năm một bát muối
Hỏi về làng "nước xu đỏ", ông A Nghem - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp (huyện Đăk Glei) bảo làng Xốp Dùi đã di cư hàng chục ki lô mét từ làng cũ về trung tâm xã mấy mươi năm nay.
Nhìn dãy rừng xanh bạt ngàn thông xa xa, A Nghem nói, làng Xốp Dùi cũ bây giờ không còn ai ở nữa. Muốn về làng ấy phải qua ngọn núi Xu Mông có rừng xà nu trùng điệp. Ngọn đồi này xưa là chỗ thường xuyên phải đỡ đạn pháo từ các đồn binh Pháp bắn vào làng và cũng là nơi đội quân của cụ A Meh trinh sát, canh gác mỗi ngày để đánh lính Pháp và Mỹ xua quân đi càn quét qua làng.
Theo lời A Nghem, làng Xốp Dùi chống quân Pháp từ khi chưa có Việt Minh, mà linh hồn quật cường của làng là từ ông A Meh.
Hồi đó, lính Pháp thường hay bắt dân làng, đánh đập những ai chống đi xâu rồi nhốt vào ngục, trong đó có ông A Brôm là cha A Meh. Lâu lâu lại thấy “con chim sắt" bay trên trời quần thảo, dân Tà Rẻ (nhánh người Xơ Đăng) sợ nó ăn hết bò của làng.
Một lần cùng thanh niên làng dùng nỏ bắn "con chim sắt", tên không găm vào mà rớt xuống xung quanh, A Meh thấy lạ quá, sau nghe đồn lính Pháp được Yàng cho đồng xu nên làm được “chim sắt” bay trên trời, làm cây súng bắn tiếng nổ xa hơn tiếng hú.
A Meh quyết đi tìm đồng xu, nhưng biết tìm ở đâu? Vậy là A Meh xin lính Pháp đi xâu để lấy đồng xu mang về.
Hôm mang đồng xu về (đồng France làm bằng kẽm), cả làng tập trung lại bỏ đồng xu vào nước để mổ trâu trắng, dê trắng cúng Yàng. Cúng xong, dân làng cởi hết áo ra, lấy nước ngâm đồng xu thoa khắp người để Yàng phù hộ tên bắn không trúng, đạn bắn không xuyên vào da.
Mấy hôm sau, Pháp đưa quân càn quét, người làng Xốp Dùi phục sẵn bắn tên vào lính Pháp, nhưng tên bay thẳng vào bụng, ngực mà không găm vào người (do quân Pháp mang giáp). Thấy vậy, lần sau, A Meh bảo thanh niên bắn vào mắt lính Pháp và thấy những tên lính trúng tên đều chết.
"Tên này chỉ sướt qua da là vô phương cứu chữa. Dân làng mình không làm tên độc này, mà lấy từ người Xơ Đăng ở Quảng Nam" - A Nghem nói.
Từ đó, A Meh chỉ huy dân Xốp Dùi rào hết những chỗ hiểm yếu xung quanh làng, chừa một đường mòn qua đồi Xu Mông để đi. Lính Pháp càn quét phải qua đường độc đạo hiểm trở này và trở thành “mồi ngon” cho làng Xốp Dùi với tên độc, bẫy rừng. Bởi vậy, rất ít khi quân Pháp càn được vào làng.
Có một lần, lính Pháp âm thầm cắt rừng đi gần đến thì làng mới phát hiện, chạy hết vào rừng. Một người già Xơ Đăng bị bệnh không chạy được, đành chết cháy do quân Pháp đốt rụi làng.
"Nghe các già làng kể lại, ngày chiến đấu ăn chủ yếu là bắp, nhưng rất thiếu muối. Mỗi năm, cứ mỗi hộ được phát một bát muối để ăn. Nói thật không phải ăn, mà liếm qua hạt muối cho đỡ thèm"- A Nghem cho biết.
Tôi thắc mắc vì sao khi Pháp càn lên, làng "vườn không nhà trống" cho được, bởi người chạy được, còn gia súc gia cầm phải làm sao đưa đi kịp. A Nghem chịu không giải thích được.
|
Khi ghé nhà ông Đinh Rương (66 tuổi, con trai cụ A Meh) ở thị trấn Đăk Glei, tôi mang chuyện này ra hỏi. Ông Rương nói, ngày ông A Meh còn sống, ông Trần Kiên (từng gắn bó với Tây Nguyên trước và sau kháng chiến chống Mỹ; năm 1986 từng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mất tháng 5/2004 tại Quảng Ngãi) có ghé về nhà thăm. Hai cụ ngồi uống nước, ông Trần Kiên nói: Tui phục ông đó Meh. Ông làm sao mà huấn luyện được, mỗi khi địch càn, thanh niên dùng gậy gõ vào ống lồ ô, đàn trâu theo tiếng gõ đi trước, kéo theo sau là đàn bò, heo và cả gà, vịt nữa vào rừng. Khi giặc hết càn, đàn gia súc, gia cầm lại theo tiếng gõ về lại làng…
Cải trang đánh giặc
Thời kháng chiến chống Pháp, A Meh còn có tên là Môn. Chuyện đánh giặc của ông vô cùng ly kỳ. "Tui nghe nói ông đánh giặc tài lắm, thấy là lạ nên nhiều lần về hỏi ông A Rin (cùng chỉ huy trong đơn vị với A Meh) và mấy già làng, ai cũng nói chuyện thiệt còn nhiều hơn kể. Trải qua hai cuộc chiến, ba tui chỉ đóng khố, khoác tấm đồ, dắt theo thanh kiếm” - ông Rương kể.
Ông Rương tiếp chuyện: Hồi đó, Pháp thưởng đến 500 con trâu để ai giúp bắt được Môn. Có điều, lính Pháp, kể cả thời chống Mỹ sau này cũng vậy, không ai biết mặt "thằng Môn" hình dạng ra sao. Có lần, một người Xơ Đăng vào đồn lính Pháp nói sẽ đưa đi bắt "thằng Môn". Đến một con dốc, người này hú lên một tiếng rồi lăn xuống dốc, còn cả trung đội lính Pháp thì hứng trọn bẫy đá và mưa tên của quân ông Môn. Một lần khác, lính Pháp thấy một sĩ quan người Việt bước vào đồn nói: “Biết mặt thằng Môn chưa mà đòi bắt. Tao vừa được báo nó ở bên kia, mau theo tao”. Thế là lính Pháp huy động quân đi ngay. Kết cục, lại rơi vào phục kích của quân ông Môn và viên sĩ quan người Việt kia chính là ông Môn cải trang hét lớn: Tao là Môn đây! Những tên lính cuối cùng chỉ nghe được bấy nhiêu, nhưng cũng “thỏa mãn” là đã biết mặt "thằng Môn" trước khi chết. Thậm chí, có lần Môn bị sốt rét nằm vật ven đường, lính Pháp thấy tưởng thằng người Xơ Đăng chết rồi chứ đâu biết "thằng Môn" mình đang lùng kiếm, bèn bảo người dân mang đi. Do quan niệm là ma xấu, dân làng đưa xác này lên bỏ vào hang đá ở trên núi. Hôm sau, họ nhìn lên hang đá, thấy ông Môn ngồi đấy tưởng là ma, ông cười lớn: tao Môn đây, không chết đâu, người thật đấy.
Truy quét, tìm diệt không được, lính Pháp rất sợ ông Môn. Sợ nhất là ông cải trang nhiều lần nhưng chẳng lặp lại bao giờ, trong khi đó ông Môn khỏe và bắn súng rất giỏi. "Sau giải phóng, có lần ông mang theo súng AR15 dẫn tôi vào rừng, đưa nòng súng lên một cây cao 30-40m, bắn rớt con chim chào mào bằng một phát súng" - ông Rương kể.
Nói về sức khỏe, ông Môn dù cao chỉ hơn 1,6m nhưng khỏe lắm như con trâu mộng ngày đó. Ngày thiếu thuốc nổ đánh xe cơ giới của Pháp, ông Môn cải trang xin lính Pháp đi làm dân vệ, xung phong đánh bộc phá làm đường. Viên sĩ quan Pháp thấy Môn nhỏ con, có ý chê. Môn chỉ đám dân vệ cao to nói: tao vật ngã hết đám này. Viên sĩ quan Pháp bảo thử, Môn làm thật, tất cả nhóm dân vệ mập to đều thành bại tướng dưới tay Môn. Lần này, Môn làm dân vệ một thời gian, kiếm được vô số thuốc nổ. Về sau, xe nhà binh Pháp bị cháy đều do bị trúng mìn, bộc phá cài ven đường, nhưng bọn lính Pháp có biết đâu thuốc nổ này do mình vô tình cấp cho "thằng Môn".
Kỷ vật cuối cùng
Chiều thu Tây Nguyên nhạt nắng, hoàng hôn gieo vàng ắp những ngọn đồi. Hôm ấy, ông Đinh Rương đưa tôi lên căn gác nhỏ, nơi thờ cúng Anh hùng LLVT nhân dân A Meh. Ông vào phòng trong cầm ra một thanh kiếm dài hơn 0,5m.
|
"Tục đồng bào Xê Đăng cũng chôn của theo người chết. Thanh kiếm này thì không, bởi trước khi còn sống, ông dặn tôi phải giữ. Nó là vật tùy thân theo ông hai cuộc kháng chiến"- ông Rương bùi ngùi.
Sở dĩ A Meh bảo lưu giữ là vì vào năm 1998, những kỷ vật cùng A Meh đi qua hai cuộc kháng chiến như chiếc dồ dài 12m, bộ cung tên, chiếc gùi nhỏ và vài vật dụng khác đã bị lửa thiêu rụi theo trận hỏa hoạn nhà ở xã Xốp. Sau vụ cháy ấy, ông A Meh buồn, 2 năm sau thì mất.
Hỏi về lai lịch thanh kiếm, ông Rương không biết nó có từ bao giờ. Theo lời kể lại của ông A Meh, nó được rèn ở Quảng Nam, xưa to bản nhưng qua năm tháng, giờ nhỏ bằng 2 ngón tay, sắc bén lạ thường. Đốc kiếm được khảm bằng đồng, còn bao kiếm bằng gỗ cây rừng ghép lại.
"Bảo tàng và một số đơn vị đặt vấn đề hỏi mua thanh kiếm, nhưng gia đình không đồng ý. Bởi đó là kỷ vật cuối cùng của ông cụ" - ông Rương nói.
Tâm sự cùng ông Rương, tôi mới hay, tên đầu tiên của A Meh là T’Nuô. T’Nuô là tên một con suối chảy qua làng Xốp Dùi. Người Xơ Đăng lấy tên rừng, đồi, suối… gắn với cộng đồng làng để đặt tên cho con. Cha của A Meh cũng vậy, lấy tên con suối đặt tên con.
Sinh ra từ rừng thông, lớn lên từ gốc thông và khi về với đất, người anh hùng A Meh lại về nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đăk Glei, dưới ngàn thông lộng gió, quanh năm tiếng rì rào ru ông giấc ngàn thu…
P.N- PA