Bình dị chợ phiên Đăk Hà
Không rộn ràng váy hoa, áo đẹp; không tù và cũng chẳng sáo nhị, bao nhiêu năm nay, chợ phiên Đăk Hà vẫn bình dị, hiền hòa như thế. Chỉ với tấm bạt lót, trải hàng hóa lên bên vệ đường, những người nông dân chất phác bán đầy đủ các mặt hàng rau nhà, củ vườn, gà nuôi… đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế” khắp cả vùng.
Phiên chợ nông dân
Chủ nhật, từ sáng sớm, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà lại chuẩn bị sọt, gói ghém hàng hóa để đến chợ phiên bán.
Dù chỉ có ít ốc tự bắt, vài ba củ mì, vài búp hoa chuối nhưng từ 5h sáng, cô Nông Thị Quấy (người Nùng) ở xã Đăk Ngọk đã bỏ vào giỏ, cột lên xe mang ra chợ phiên.
“Chợ phiên chỉ được mở vào 1 ngày Chủ nhật nên mình tranh thủ đem bán. Mình đi sớm để về còn đi làm rẫy” - cô Quấy nói.
Người ta vẫn gọi chợ phiên Đăk Hà là chợ nông dân. Bởi ở đây, những người bán đa số là nông dân từ các xã trên địa bàn huyện. Ai có gì bán nấy, hầu hết các sản phẩm đều do của nhà trồng, nuôi được.
|
Giữa lòng thị trấn, nhưng không sầm uất, rộn ràng, vào chợ phiên Đăk Hà, cảm giác như đang ở chợ quê bình dị. Từ sáng sớm, dọc hai bên đường, cổng sau vào Trung tâm thương mại, những người nông dân tranh thủ trải bạt, đổ rau, củ, quả ra bán.
Không tranh giành khách cũng chẳng rối rít mời chào, họ cứ ngồi đó, ai ghé xem ưng ý thì mua, không ưng thì đi, người bán chẳng bao giờ cau có hay lầm bầm.
Nhà ở thôn 5, xã Hà Mòn, từ 5h sáng, cô Nguyễn Thị Hương đã chở 10 con heo con ra chợ phiên để bán. Chỉ sau 2 tiếng, số heo con nhanh chóng về với chủ mới.
“Tuần nào có heo hoặc rau, củ, quả tôi mới đi bán, còn không thì thôi. Có chợ này, nông dân chúng tôi đỡ lo lắng nhiều lắm. Nhiều lúc heo giảm giá, người mua ép, ở nhà không bán được, chỉ cần ra chợ, một chốc là bán hết ngay. Bán ở chợ này không mất thuế hay phí, nhờ đó, chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào lo cho gia đình” – cô Hương chia sẻ.
Cũng như cô Hương, từ nhiều năm nay, cứ đến Chủ nhật, bác Nguyễn Thị Bấc ở xã Đăk Ngọk lại nhờ con trai chở ra chợ phiên để bán. Không có gì nhiều, “gian hàng” giữa trời hôm nay của bác Bấc chỉ có khoảng 20kg khoai môn mới đào.
“Toàn là đồ nhà trồng được đấy, ăn không hết nên tôi đem ra bán kiếm thêm ít đồng. Ra chợ này vui lắm, toàn nông dân cả, hiếm khi thấy cãi nhau hay đôi co” – bác Bấc nói.
5h30 sáng, chợ phiên Đăk Hà đã đông đúc. Hai bên đường, người bán, người mua đã tấp nập. Trong phiên chợ, ngoài tiếng trao đổi giá cả còn rộn ràng lời hỏi thăm thân mật giữa những người mua, người bán với nhau.
Thi thoảng, gặp được người quen, người bán mải mê hỏi thăm, nói chuyện, “quên” luôn cả quầy hàng với vài đọt rau, mớ cá, cộng hành.
Đa dạng các mặt hàng
Chợ nông dân nên các mặt hàng cũng rất… nông dân. Mỗi người một ít, ai có gì bán nấy nên các sản phẩm chợ phiên cũng đa dạng, phong phú.
Dạo một vòng chợ, cảm giác rất thú vị. Không thành sạp, hàng hóa cũng chẳng nhiều, hai bên đường, người chồm hổm ngồi với dăm củ mì; người bày bán ít cá đồng mới bắt; người đặt dăm bao cám bắp, cám mì cho heo; chỗ vài ba rổ đọt bí mới hái, người lại bán ít khoai môn, ít ký gạo mới xay còn nóng hổi…
Mỗi người mỗi ít, dạo khắp chợ, từ củ đậu, cộng hành đến heo, gà, chổi đót… các mặt hàng không thiếu thứ gì.
|
Nhà ở thôn 5, xã Hà Mòn, từ sáng sớm, chị Lâm Thị Mạnh cũng tranh thủ ra chợ phiên để mua đồ.
“Ở đây bà con bán mỗi thứ một ít, rau củ nhà trồng nên không sợ thuốc hay lừa bịp. Bao nhiêu năm nay, cứ Chủ nhật tôi lại đi mua thật nhiều, về để dành ăn hết tuần cho đến chợ phiên rồi đi tiếp” – chị Mạnh nói.
Không chỉ có người dân ở Đăk Hà “chuộng” các sản phẩm ở chợ phiên, nhiều người ở các huyện, thành phố cũng chạy vài chục ki lô mét để được mua các mặt hàng nơi đây.
Như ông Phạm Xuân Tình, nhà ở thành phố Kon Tum, chỉ vài bước là ra đến chợ nhưng cứ 2-3 tuần, đến Chủ nhật, ông lại nhờ con trai chở đi hơn 20km lên chợ phiên Đăk Hà để mua đồ.
Ông nói rằng, ở chợ phiên, các mặt hàng rất đa dạng, rẻ, hơn nữa, người bán đa số là nông dân nên ông không sợ nói thách.
“Bà con bán vui vẻ lắm, giá cả hợp lý. Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, từ quả bắp non cho đến quả trứng gà… cái gì cũng tươi, ngon, an toàn nên dù xa nhưng tôi vẫn tranh thủ đi” – ông Tình nói.
Hay như cô Nguyễn Thị Nương ở khối 10, thị trấn Đăk Tô, dù nhà gần chợ Đăk Tô nhưng cứ đến cuối tuần, 5h sáng, vợ chồng cô lại chạy hơn 20km xuống chợ phiên Đăk Hà.
Cô nói rằng, nhiều năm nay, ngày thường cũng như ngày tết, gia đình cô chủ yếu mua thực phẩm ở chợ phiên.
“Ở trên chỗ tôi nhiều người đi chợ phiên này lắm, có lần rủ nhau đi cả đoàn. Ở chợ phiên thuận mua, vừa bán, bà con lại chân tình nên chúng tôi rất yên tâm. Năm nào tôi cũng mua đồ ở đây về để dành ăn tết” – chị Nương nói.
Dạo một vòng, ngoài các chỗ bày bán ổn định, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người nông dân cầm trên tay vài cây chổi đót; người cột trên xe 1 con heo sữa hay treo vài con gà, vài quả vú sữa… dạo khắp chợ để bán.
“Những lúc giáp tết, bán rất nhanh nhưng cũng có lúc ngồi mãi không bán được. Mình cứ đi dạo dạo, ai thích thì mua, bán nhanh về còn đi làm” – cô Hương chia sẻ.
10h, chợ phiên vẫn đông đúc. Nhiều người bán xong lại đi dạo khắp chợ, trở thành “thượng đế” của những gian hàng khác. “Nhiều hồi đi bán đồ đạc còn ít hơn so với khi trở về” – cô Hương cười.
11h, chợ phiên vãn dần. Người dân lại gấp bạt, gấp bao ni lông, dọn sạch chỗ ngồi rồi khăn gói ra về.
Sau một phiên chợ đông, bán hết khoai môn, bác Bấc mang về cho mình được hơn 100 ngàn đồng. Cười phấn khởi, bác Bấc bảo: Tôi già rồi, ở nhà đâu làm gì ra tiền. Đi chợ như thế này vừa có tiền, vừa vui, lại thoải mái. Nhiều hôm không có đồ đi bán, ở nhà buồn lắm.
Có riêng gì bác Bấc, nhiều người, dù không có ý mua sắm, cũng chẳng bán buôn, nhưng cứ đến Chủ nhật lại ghé đến chợ phiên để đi dạo, để ngắm. Như ông Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Đăk Hà là một trong những người như thế.
“Ra chợ, gặp bà con nông dân vui lắm! Tôi chỉ đi dạo, nói chuyện với bà con rồi về. Chủ nhật tuần nào không ra, lại nhớ” – ông Thành bộc bạch.
Bình An